Truyện cổ tích “Cái chuông mạ bạc”
Truyện cổ tích Nhật Bản “Cái chuông mạ bạc” kể về một cái chuông kì lạ, có thể phát ra những âm thanh vui vẻ và khiến cho nỗi buồn tan biến.
1. Cái chuông ma bạc
Ngày xưa có một nhà sư già hiền từ trụ trì trong một ngôi chùa ở một thành phố nhỏ gần biển. Nhà sư thích nhất là được ngồi trên hành lang để ngắm sóng biển. Và để khỏi cảm thấy cô đơn, ông đã treo trên mái nhà một cái chuông nhỏ mạ bạc, cái chuông này được móc vào một bức trướng bằng giấy, trên đó có viết một bài thơ tuyệt tác. Khi gió thổi vào bức trướng lung lay, làm cho cái chuông phát ra tiếng kêu rất êm tai, mà gió ở đây thì không thiếu, gió biển luôn luôn thổi vào. Nhà sư già ngồi trên hành lang, ngắm biển, tai nghe tiếng chuông trong trẻo, êm ái, mỉm cười khoan khoái.
Cũng trong thành phố này có một ông dược sĩ tên là Mohei (Mô-hây). Từ lâu, ông ta gặp nhiều chuyện xui xẻo. Bất cứ công việc gì ông ta đụng đến cũng đều thất bại, nên ông ta rất buồn, buồn đến độ không muốn làm gì hết. Quá buồn bực, một hôm ông lên đường đi thăm nhà sư già để xin lời khuyên. Khi thấy vị sư già ngồi thoải mái trên hành lang và đang nghe tiếng chuông êm ái, bỗng ông ta thức tỉnh, và nghĩ rằng nếu mình được ngồi trên hành lang và nghe tiếng chuông như thế này, thì chắc sẽ vui sướng vô cùng. Ông nghĩ một lát, rồi xin nhà sư cho mượn cái chuông một hôm thôi.
Sao tôi lại không cho anh mượn cơ chứ. – Nhà sư hiền từ đáp. – Nhưng anh đừng quên là sáng mai mang trả cho tôi, vì không có cái chuông này, tôi buồn lắm.
Mohei kính cẩn cảm ơn nhà sư, hứa sẽ đem trả cái chuông đúng vào ngày mai. Rồi ông về nhà, móc cái chuông lên hành lang. Cái chuông thánh thót kêu làm cho lòng ông nhẹ nhàng, tâm hồn ông lâng lâng, cuộc đời đối với ông đã trở nên quá đẹp đến nỗi ông múa may nháy nhót.
2. Khu vườn nhà ông dược sĩ Mohei
Hôm sau trời mới tờ mờ sáng là nhà sư đã cảm thấy buồn rồi. Ngài cứ ra ngoài đường để trông ngóng ông dược sĩ đem cái chuông tới. Nhưng Mohei không đến. Một giờ trôi qua, hai giờ cũng không thấy, rồi đến trưa ông dược sĩ cũng không đến, nhà sư bèn gọi chú tiểu Taro (Ta-rô) đến bảo:
– Con hãy mau ra phố, đến nhà dược sĩ Mohei. Ông ấy đã mượn cái chuông nhỏ của ta và đáng ra phải trả lại hồi sáng nay. Con nhắc cho ông ta nhớ lời đã hứa. Nói với ông ấy rằng ta đang đợi sốt cả ruột lên đây.
Taro chạy đến nhà dược sĩ Mohei, nhưng khi vừa đến vườn nhà ông dược sĩ, bỗng chú tiểu dừng lại, kinh ngạc vô cùng. Chú nghe tiếng chuông thánh thót vang lên và ông dược sĩ đang nhảy múa trong vườn, phất hai ống tay áo và tà áo bay quanh người. Taro không biết nói sao với ông dược sĩ, rồi bỗng nhiên, chú cũng vui vẻ trong lòng đến nỗi chú cũng nhảy múa cùng với ông ta.
Một giờ trôi qua, rồi hai giờ… nhà sư vẫn chẳng thấy ông dược sĩ đem chuông trả và chú tiểu Taro cũng không thấy về. Nhà sư già lắc đầu bực tức, và ngài lại càng buồn bã thêm. Ngài cho gọi người đệ tử thứ hai, chú tiểu Djiro (Di-rô), rồi nói:
– Con hãy mau ra phố, đến nhà dược sĩ Mohei, nói với ông ta hãy đem cái chuông mạ bạc đến trả cho ta. Và nếu trên đường đi con có gặp Taro thì hãy nói với cậu ta rằng không làm tròn nhiệm vụ do sư phụ giao phó là một điều đáng trách.
Djiro ra sức chạy thật nhanh. Khi vào vườn nhà ông dược sĩ, chú nghe tiếng chuông thánh thót, và chú quá kinh ngạc khi thấy ông dược sĩ cùng Taro nhảy múa trong vườn. Trước khi Djiro kịp có thời giờ để rầy la Taro không làm tròn nhiệm vụ thì bỗng chú cũng bị vũ điệu lôi cuốn và đến lượt mình, chú quên hết thế sự.
3. Cái chuông mạ bạc và âm thanh kì lạ
Một giờ trôi qua, rồi hai giờ. Mặt trời đã xế bóng, nhưng nhà sư già vẫn không thấy người dược sĩ đến, cũng không thấy ai trong số hai đệ tử xuất hiện hết. Nhà sư già không biết lý do gì lại xảy ra một chuyện như thế này. Bỗng, ngài thấy buồn bã hơn bao giờ hết. Cuối cùng, nhà sư chịu hết nổi, ngài mang dép vào và thân hành đến nhà ông dược sĩ.
Chưa vào đến vườn, nhà sư dã nghe tiếng chuông thân yêu thánh thót kêu và nghe có tiếng người cười vui vẻ. Khi đi vào, ngài thấy ông dược sĩ và hai đệ tử của ngài đang nắm tay nhau. Họ nhảy sang phải rồi nhảy sang trái, mặt mày rạng rỡ tươi cười.
Nhà sư lắc đầu, không làm sao giải thích được hiện tượng kỳ quái như thế này. Nhưng tâm trạng này của ngài không kéo dài lâu. Bỗng nỗi buồn trong lòng ngài đột nhiên tan biến, hai chân ngài bắt đầu nhúc nhích chuyển động một mình, rồi nhà sư cười với ông dược sĩ, ngài đưa một tay cho Taro, tay kia cho Djiro nắm rồi cả bốn người cùng nhảy múa với nhau.
Sau đó sẽ ra sao? Sau đó à, nếu muốn biết thì bạn phải phái một người đến vườn ông dược sĩ mới được. Nhưng chắc chắn người này cũng sẽ không trở về. Vì anh ta nghe tiếng chuông vui tai và thấy bốn người nhảy múa trong vườn, thì chắc chắn anh ta sẽ quên hết và nhập vào nhóm người này liền. Rồi chúng ta lại phải phái người thứ hai, rồi thì thứ ba, và lại thêm người thứ tư…
Cuối cùng, chúng ta chỉ còn một cách là phải thân hành đến đó, và rồi đến phiên mình, chúng ta cũng sẽ nhảy múa với họ thôi. Mà làm thế thì không được rồi; không thể nào mọi người đều nhảy múa hết. Cho nên chúng ta đừng có phái ai đến nhà dược sĩ nữa, và bây giờ, khôn ngoan hơn hết là ta nên đi ngủ thôi.
Câu chuyện “Cái chuông mạ bạc”
– Truyện cổ tích Nhật Bản –
Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé
Ngoài câu chuyện “Cái chuông mạ bạc” kể trên, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.
Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.vn.